Thúc đẩy hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật trong lứa tuổi thiếu niên nhi đồng

THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO KHOA HỌC, KỸ THUẬT

TRONG LỨA TUỔI THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG

 

Trần Minh Phong

Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ TT.Huế

 

Hiện nay, một trong những đổi mới của giáo dục và đào tạo là hướng tới các hoạt động sáng khoa học kỹ thuật, với hoạt động này học sinh có thể tập làm nghiên cứu khoa học, tập làm kỹ thuật để tạo ra sản phẩm bằng những kiến thức mà mình có được. Nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới đó, trong thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã tạo ra nhiều sân chơi khoa học kỹ thuật nhằm mục đích tập hợp, động viên các em yêu thích khoa học kỹ thuật, phát huy cao nhất kiến thức đã học được trong trường học cũng như trong thực tiễn cuộc sống để sáng tạo ra những sản phẩm khoa học có khả năng ứng dụng thực tiễn đem lại hiệu quả cao. Đây cũng là môi trường phát hiện, bồi dưỡng những tài năng, là hạt nhân trong phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các nhà trường, đơn vị và địa phương.

Tuy nhiên, các sân chơi này vẫn chưa trở thành hoạt động thường xuyên, phổ biến, chưa lan tỏa hay trở thành phong trào rộng lớn trong các cấp, ngành và đặc biệt là các nhà trường. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật chưa được chú trọng, chưa có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng để hỗ cho hoạt động này, hay hình thức động viên, khen thưởng chưa thỏa đáng, kịp thời,… nên vẫn chưa thu hút đươc nhiều đối tượng đến với sân chơi khoa học kỹ thuật này.  Vì vậy, trong thời gia tới, để kích khích tinh thần sáng tạo, khơi dậy niềm đam mê khoa học kỹ thuật của các em học sinh lứa thiếu niên, nhi đồng, các cấp, ngành liên quan cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật cho các em ngay từ rất sớm để tạo nền tảng tư duy, phát triển kỹ năng. Cần tạo ra nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực và phải được cụ thể hóa đến từng đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng. Thường xuyên mời các chuyên gia, các nhà khoa học có kinh nghiệm đến nói chuyện với các em, định hướng cho các em về các nghiên cứu, sáng tạo để từ đó các em có được vốn kiến thức, có những kỹ năng, kỹ thuật cần thiết để vận dụng vào quá trình nghiên cứu, sáng tạo nên các đề tài, sản phẩm khoa học có chất lượng, khả năng ứng dụng vào thực tiễn đời sống xã hội.

Thứ hai, Ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đa số trong các em đều là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì vậy, nhà trường phải luôn chú trọng đến công tác đánh giá năng lực thực của học sinh và có sự quan tâm đặc biệt, kịp thời với những đối tượng học sinh có ý tưởng và thật sự đam mê nghiên cứu khoa học, từ đó, phân công giáo viên trực tiếp hướng dẫn từng bước. Riêng đối với giáo viên hướng dẫn, phải thực sự có tinh thần trách nhiệm, phải có sự sát sao, gần gũi để các em có thể chia sẻ ý tưởng, trên cơ sở đó, cả giáo viên hướng dẫn và học sinh cùng quyết định lựa chọn ý tưởng nghiên cứu, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của bản thân, gia đình và nhà trường.

Trại hè Khoa học – Sân chơi mới, lạ, lý thú và đầy trực quan được CLB Sáng tạo trẻ TT.Huế Bảo trợ tổ chức thường xuyên cho học sinh THCS thành phố Huế.

Thứ ba, Bên cạnh những sân chơi khoa học kỹ thuật chính thống như Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; Cuộc thi khoa học kỹ thuật; Cuộc thi tin học trẻ, Hội thi sáng tạo kỹ thuật,… Các cấp, ngành liên quan cần tạo thêm nhiều sân chơi khoa học kỹ thuật mới, lạ, sôi động, đầy trực quan và ứng dụng để thu hút các em tham gia, đây là những môi trường thuận lợi để vun đắp sự đam mê và hiểu biết của các em với khoa học kỹ thuật và thúc đẩy tinh thần chủ động tìm tòi, học hỏi khoa học của các em trong những năm về sau.

Thứ tư, Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thông thoáng và thường xuyên để các em có điều kiện tiếp cận và đầu tư cho khoa học kỹ thuật, vì lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đa số trong các em đang sống phụ thuộc vào gia đình nên việc dành khoản kinh phí cá nhân để phục vụ nghiên cứu khoa học rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tăng cường hỗ trợ cho công tác thực hành, thực nghiệm của các em,  không ngừng động viên, khích lệ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh và giáo viên hướng dẫn yên tâm nghiên cứu, sáng tạo những mô hình, sản phẩm đạt chất lượng cao.

Thứ năm, Có những hình thức khen thưởng kịp thời, thường xuyên để động viên, khuyến khích tin thần của các em  học sinh cũng như giáo viên hướng dẫn khi tham gia hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Tin rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì các hoạt động khoa học kỹ thuật ngày càng thu hút được nhiều đối tượng tham gia, nhất là các đối tượng thuộc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Khoa học kỹ thuật sẽ trở thành một môi trường thuận lợi để các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống và xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

About admin

Check Also

Lan tỏa phong trào tuổi trẻ sáng tạo

TTH – Tuổi trẻ sáng tạo là một trong những phong trào hành động cách …