Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy tri thức trẻ sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng khoa học và công nghệ

Trong bối cảnh tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ, việc thúc đẩy các nhà tri thức trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có những bước đi phù hợp trong quá trình sáng tạo và khởi nghiệp của bản thân là điều cần thiết. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường học từ bậc phổ thông cho tới giáo dục đại học giúp trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, góp phần nuôi dưỡng và phát triển các ý tưởng của sinh viên, các nhà tri thức trẻ trở thành sản phẩm đóng góp cho xã hội.

Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ (CLB STT) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập với sứ mạng đoàn kết, tập hợp thanh thiếu niên, tri thức trẻ có những sáng tạo và đam mê nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm trí tuệ phục vụ cho lợi ích của con người và xã hội, tạo môi trường thuận lợi để các thành viên phát huy khả năng sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ trong công tác, học tập và lao động sản xuất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện sứ mạng đó, Câu lạc bộ đã thường xuyên thực hiện công tác thúc đẩy tri thức trẻ sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng khoa học và công nghệ. Thông qua hoạt động tích cực trên, nhiều điển hình sáng tạo, khởi nghiệp đã ra đời, cụ thể:

Dự án “Hệ sinh thái y khoa online” của BS. Huỳnh Lê Thái Bão – Ủy viên BCN CLB STT được phát triển từ tháng 01/2019 với nòng cốt đầu tiên là CLB Tình nguyện y khoa hoạt động tại miền Trung, phát triển trang web ykhoa.org và các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Mục tiêu hoạt động là tạo ra một hệ thống thông tin, kiến thức y khoa online phong phú có giá trị chiều sâu, phục vụ nhu cầu học tập, tham khảo của nhân viên y tế và sinh viên y khoa toàn quốc. Đến nay hệ sinh thái đã có hơn 2,5 triệu lượt sử dụng, bao gồm 1 app “Hệ sinh thái y khoa online”, trang web ykhoa.org và trang kênh y khoa cùng chia sẻ thông tin và hoạt động y khoa hữu ích. Bên cạnh đó, diễn đàn y khoa có hàng chục triệu thành viên, được điều hành bởi nhóm chuyên gia y khoa với hoạt động thảo luận thường xuyên cùng chuỗi lớp học chia sẻ kiến thức trực tuyến. “Hệ thống đặc biệt hữu dụng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi mà hầu hết các hoạt động giáo dục, đào tạo đặc biệt là y học ngày càng ứng dụng công nghệ thông tin để hướng đến hoạt động trực tuyến bền vững và lâu dài”, bác sĩ Bão thông tin thêm.

Với dự án này, Huỳnh Lê Thái Bão cùng nhóm cộng sự đã tham và đạt giải Nhất giải thưởng thanh niên kiến tạo năm 2021; Giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh TT-Huế năm 2021 và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021; Cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục 2021; Sáng kiến trẻ Việt Nam toàn cầu InnoCity 2021; Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo/ Light Up Your Creativity Đà Nẵng 2021; Thử thách sáng tạo xã hội Việt Nam 2021,…

Dự án “Thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch Thừa Thiên Huế” của Tiến sĩ Nguyễn Vũ Trọng Thi – Phó Chủ nhiệm CLB STT nhằm cho ra đời những sản phẩm vừa là quà lưu niệm, lại mang nhiều thông điệp về văn hóa, truyền thống dân tộc để truyền bá, lan tỏa văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến khách du lịch và người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sản phẩm được thực hiện trên nền tảng các ứng dụng, thiết bị công nghệ hiện đại nên tạo ra nhiều mẫu mà phong phú, đạt độ tin xảo cao và đã thực hiện tốt mục tiêu khai thác thị trường bán lẻ để phục vụ người tiêu dung và khách du lịch tại các điểm di tích, khu phố đi bộ,… trên địa bàn thành phố Huế.

Với quy trình sản xuất hiện đại, cùng với sự hỗ trợ, thúc đẩy của CLB STT, đây là những nền tảng quan trọng để nhóm nghiên cứu tiếp tục đưa dự án phát triển, và đặc biệt hướng đến việc chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất hàng mỹ nghệ, tặng phẩm văn hóa truyền thống Huế.

Ngoài ra, Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ các nhà sáng tạo trẻ thực hiện, phát triển ý tưởng, xây dựng mô hình kinh doanh để sản xuất, đưa sản phẩm phẩm vào thị trường, điển hình như mô hình xưởng nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lưu niệm, móc khóa của Nguyễn Thanh Việt (276 Nguyễn Sinh Cung, Huế); mô hình sản xuất sản phẩm mỹ nghệ của Bùi Phước Lai (Công ty Mỹ nghệ Phước Lai); Phối hợp với CLB kiến trúc 3D thực hiện, triển khai dự án “Xây dựng bảo tàng số hiện vật di sản Huế”, dự án “Sản xuất thiết bị khảo sát đáy sông bằng năng lượng mặt trời”; đề xuất dự án “Vườn ươm sáng tạo trẻ”; Bảo trợ CLB khoa học Bóng Đèn tổ chức trại hè khoa học hàng năm và các hoạt động khoa học trực quan cho bạn học sinh trên địa bàn thành phố Huế,…

Các dự án trên đều có xuất phát điểm là ý tưởng sáng tạo từ các bạn sinh viên, các nhà tri thức trẻ được CLB STT thúc đẩy, phát triển. Tuy nhiên, với điều kiện năng lực cơ sở vật chất hạn chế, CLB STT chỉ thực hiện được sứ mạng thúc đẩy của mình ở mức hỗ trợ tư vấn, định hướng nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện mẫu sản phẩm để tham gia các Cuộc thi, Hội thi,… do cấp tỉnh và TW tổ chức, như vậy chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của các nhà sáng tạo trẻ và có thể nhận ra rằng khoảng cách đến với mục tiêu thực sự thúc đẩy các nhà sáng tạo trẻ, sinh viên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đam mê, dấn thân vào sáng tạo và khởi nghiệp còn khá xa.

Vấn đề cơ bản có thể nhận thấy là hiện nay các nhà sáng tạo trẻ thiếu cơ hội được phát triển ý tưởng hay sản phẩm mẫu của mình thành sản phẩm có tính chất thương mại hóa, có thể phân phối, buôn bán trên thị trường. Chúng ta có nhiều đơn vị thực hiện chức năng hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, nhưng đa số đều là hỗ trợ cho các sản phẩm đã được kiểm định, kiểm nghiệm, có đăng ký kinh doanh, phân phối trên thị trường. Vậy, còn khoảng trống rất lớn từ ý tưởng sáng tạo, sản phẩm mẫu thô sơ của các nhà tri thức trẻ đến sản phẩm có tính chất thương mại hóa. Và thực sự vấn đề ở đây là chúng ta chưa hỗ trợ, thúc đẩy, chưa có động thái nào giúp thu hẹp khoảng trống này.

Với thực tế đó, Câu lạc bộ sáng tạo trẻ xin có một số hướng đề xuất:

– Bản thân Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ dưới sự định hướng, hướng dẫn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, sự hỗ trợ của các Cơ quan ban ngành chức năng thực hiện mục tiêu thành lập Hội sáng tạo trẻ, có tư cách pháp nhân độc lập. Đây sẽ là nơi thực hiện bước hỗ trợ các nhà sáng tạo trẻ thương mại hóa sản phẩm của mình, thông qua đó, thực sự thúc đẩy các nhà sáng tạo trẻ, các bạn sinh viên đam mê khoa học dấn thân vào khởi nghiệp trên chính nền tảng khoa học và công nghệ mà mình được học, đam mê.

  • Trong tương lai, cần thiết có những động thái hỗ trợ từ Hội Sáng tạo trẻ nói riêng, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, sở ban ngành liên quan nói chung hiện thực hóa đề án “Vườn ươm sáng tạo và khởi nghiệp” tạo ra không gian, môi trường thuận lợi nhất để các nhà sáng tạo trẻ, các bạn sinh viên được thỏa sức dám thử, dám ước mơ, dám thất bại và từ đó rút ra những kinh nghiệm sống còn trên con đường sáng tạo và khởi nghiệp. Chúng ta phải cùng khẳng định rằng, không có môi trường, không có cơ hội để hiện thực hóa các ý tưởng, thử nghiệm các tính năng, thay đổi các giải pháp thì ý tưởng sáng tạo chỉ mãi ở trong suy nghĩ và trên bàn giấy, không bao giờ có thể hiện thực hóa thành sản phẩm thương mại.
  • Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực sự chung tay hơn nữa trong công cuộc phát triển phong trào sáng tạo, khởi nghiệp của các tri thức trẻ đi vào thực chất. Đơn cử như tạo điều kiện cho các đoàn tham quan, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, giải quyết các bài toán khoa học và kỹ thuật, công nghệ của chính doanh nghiệp. Thông qua đó, giúp các nhà sáng tạo trẻ thực sự phát triển các ý tưởng dựa trên nhu cầu thực sự của sản xuất.

Điều quan trọng nhất của sự thúc đẩy không phải là làm thay, bắt tay chỉ việc, áp đặt suy nghĩ chủ quan của những người hướng dẫn lên các ý tưởng sáng tạo của các nhà tri thức trẻ, hay đơn giản chỉ là là hỗ trợ để các ý tưởng đó tham gia các cuộc thi, tôn vinh ý tưởng. Mà điều quan trọng nhất để thúc đẩy tri thức trẻ sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ đó là tạo ra môi trường, xây dựng và cung cấp cho các nhà sáng tạo trẻ cơ sở vật chất để hiện thức hóa ý tưởng, thử nghiệm tính năng, hoàn thiện sản phẩm; sự hỗ trợ trưng bày, giới thiệu, phân phối sản phẩm, thương mại hóa tài sản tri thức.

Sáng tạo và khởi nghiệp không quá xa vời, tự nuôi sống bản thân dựa trên chính những tri thức khoa học và công nghệ mà mình được học, được nghiên cứu, được hướng dẫn đã là sự khởi nghiệp thành công. Sau đó, mục tiêu lớn lao hơn là tạo công ăn việc làm cho người lao động, an sinh xã hội, phát triển đất nước. Tuy nhiên, các nhà tri thức trẻ, các bạn sinh viên, học sinh đam mê khoa học và công nghệ vẫn rất cần sự thúc đẩy một cách thực chất hơn nữa để bước đi trên con đường thành công và cống hiến.

Hội nghị Ban Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ

Quang cảnh tại xưởng nghiên cứu, sản xuất móc khóa Thanh Việt

Trần Minh Phong 

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế

About Uy Phong

Trần Minh Phong - Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế

Check Also

Dự án “Hệ sinh thái y khoa online” đạt giải Nhì và giải ý tưởng, dự án được yêu thích nhất tại Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021

Dự án “Hệ sinh thái Y khoa online” được bảo trợ bởi Câu lạc bộ …