Giải Nobel Kinh tế 2023 vinh danh nữ Giáo sư người Mỹ Claudia Goldin

Vào ngày 9/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải Nobel Kinh tế năm 2023 cho Claudia Goldin, Đại học Harvard, Mỹ, vì những nỗ lực nâng cao hiểu biết cho thế giới về tác động của phụ nữ với thị trường lao động.

Bà đã phát hiện ra những yếu tố quan trọng dẫn đến sự khác biệt giới tính trên thị trường lao động.

Nhà kinh tế học người Mỹ Claudia Goldin, là người phụ nữ thứ ba đoạt giải Nobel Kinh tế trong lịch sử, giải này được trao lần đầu tiên vào năm 1969, và bà là người đầu tiên được vinh danh một mình thay vì chia sẻ giải thưởng.

Tiến sĩ Goldin, 77 tuổi, từ lâu đã là người tiên phong trong lĩnh vực này, và là người phụ nữ đầu tiên được mời làm việc tại khoa Kinh tế của Trường Đại học Harvard vào năm 1989.

Claudia Goldin đã cung cấp báo cáo toàn diện đầu tiên về thu nhập và sự tham gia vào thị trường lao động của phụ nữ qua nhiều thế kỷ. Nghiên cứu của bà đã giúp xác định và hiểu rõ về những gì đã thay đổi trong việc phụ nữ tham gia vào thị trường lao động và thu nhập của họ, cũng như những yếu tố chính dẫn đến sự chênh lệch giới tính vẫn còn tồn tại. Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động so với nam giới thường rất thấp, và khi họ làm việc, thu nhập của họ thường thấp hơn so với nam giới. Claudia Goldin đã tiến hành thu thập dữ liệu trong hơn 200 năm về Hoa Kỳ. Thông qua việc nghiên cứu này, bà đã có chỉ ra cách thức và nguyên nhân của sự khác biệt về thu nhập và tỷ lệ việc làm giữa nam và nữ đã thay đổi theo thời gian.

Claudia Goldin đã chỉ ra rằng sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động không có xu hướng tăng lên trong suốt thời kỳ này, mà thay vào đó là tạo thành một đường cong hình U. Sự tham gia của phụ nữ đã giảm khi xã hội nông nghiệp chuyển sang xã hội công nghiệp vào đầu thế kỷ 19, nhưng sau đó bắt đầu tăng lên với sự phát triển của ngành dịch vụ vào đầu thế kỷ 20. Goldin giải thích mô hình này là kết quả của sự thay đổi cấu trúc và các chuẩn mực xã hội liên quan đến trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình và công việc ngoài xã hội.

Trong thế kỷ 20, trình độ học vấn của phụ nữ liên tục tăng lên và ở hầu hết các nước có thu nhập cao, trình độ học vấn của phụ nữ hiện nay cao hơn đáng kể so với nam giới. Goldin đã chứng minh rằng việc sử dụng thuốc tránh thai đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi mang tính cách mạng này khi đã giúp họ có thêm lựa chọn về kế hoạch sự nghiệp và gia đình cho mình.

Mặc dù sự hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trong thế kỷ 20, nhưng trong một thời gian dài khoảng cách về thu nhập giữa phụ nữ và nam giới hầu như không giảm. Theo Goldin, nguyên nhân một phần là do các quyết định về giáo dục có tác động lớn đến cơ hội nghề nghiệp suốt cuộc đời của một người khi những quyết định này thường được đưa ra khi họ còn trẻ. Trong quá khứ, chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ chủ yếu do sự khác biệt trong giáo dục và nghề nghiệp, nhưng trong hiện tại, sự khác biệt này xuất hiện khi họ đang làm cùng một lĩnh vực nghề nghiệp, và chủ yếu khi họ bắt đầu có con, đặc biệt là sau khi có đứa con đầu tiên.

Theo Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế: Công trình nghiên cứu của Claudia Goldin đã cung cấp thông tin quan trọng và sâu rộng về các yếu tố căn bản và các rào cản mà phụ nữ phải đối diện trong công việc và trong xã hội, từ đó có thể xác định những vấn đề cần giải quyết trong tương lai.

Nhà kinh tế học người Mỹ Claudia Goldin nhận giải Nobel Kinh tế 2023. Ảnh: Harvard University

Claudia Goldin bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu lịch sử nền kinh tế miền Nam Hoa Kỳ. Cuốn sách đầu tiên, “Chế độ nô lệ thành thị ở miền Nam nước Mỹ”, là luận án tiến sĩ của bà tại Đại học Chicago. Cùng với Frank Lewis quá cố, bà đã viết bài báo được trích dẫn rộng rãi “Chi phí kinh tế của Nội chiến Hoa Kỳ” (1978). Sau đó, bà đã làm việc với Kenneth Sokoloff về quá trình công nghiệp hóa ban đầu ở Hoa Kỳ, và vai trò của lao động nữ, lao động trẻ em cũng như các gia đình thuộc tầng lớp lao động và người nhập cư. Bà nhận thấy rằng vai trò của công nhân nữ trong lịch sử kinh tế thường không được coi trọng, vì vậy, bà quyết định tập trung vào việc nghiên cứu sự tiến hóa của lực lượng lao động nữ và vai trò của họ trong quá trình phát triển kinh tế. Các bài báo chính của bà từ nỗ lực nghiên cứu đó bao gồm “Giám sát chi phí và phân chia nghề nghiệp theo giới tính” (1987), “Về sự tham gia của phụ nữ đã kết hôn vào lực lượng lao động theo vòng đời của họ” (1989) và “Vai trò của Thế chiến thứ hai trong việc gia tăng việc làm của phụ nữ” (1991). Cuốn sách “Hiểu về chênh lệch giới: Lịch sử kinh tế của phụ nữ Mỹ” (1990) của bà kể về sự phát triển việc làm của phụ nữ tại Mỹ qua nhiều thế kỷ, từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 20, và vai trò của họ trong sự phát triển kinh tế, đồng thời phân tích tại sao chênh lệch giới về thu nhập và việc làm đã và đang tồn tại. Sau khi viết cuốn sách về lịch sử kinh tế của lực lượng lao động nữ, Goldin bắt đầu nghiên cứu về lịch sử giáo dục tại Mỹ. Bà bắt đầu viết một loạt bài về sự phát triển của giáo dục trung học và ảnh hưởng của nó đối với giáo dục sau trung học tại Mỹ. Nghiên cứu này đã dẫn đến dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của bà khi được chọn làm Chủ tịch của Hiệp hội Lịch sử Kinh tế, và trong vai trò này, bà đã thuyết trình một bài diễn thuyết quan trọng “Thế kỷ vốn nhân và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ: Đức tính của quá khứ”. Sau đó, bà làm việc với Lawrence Katz để tìm hiểu lịch sử bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ và mối quan hệ của nó với những tiến bộ giáo dục. Nghiên cứu của họ đã tạo ra nhiều bài báo về chủ đề này, và đi đến đỉnh điểm khi cho xuất bản cuốn sách “Cuộc đua giữa Giáo dục và Công nghệ” (2008). Họ tiếp tục hợp tác trong việc nghiên cứu giá trị của giáo dục đại học trên thị trường lao động thông qua  bài báo năm 2016 “Giá trị của bằng cấp sau trung học trong thị trường lao động: Một nghiên cứu thử nghiệm”.

Goldin tiếp tục nghiên cứu về nhiều chủ đề khác nhau đang được quan tâm hiện nay. Chúng bao gồm nguồn gốc của việc hạn chế nhập cư, việc tạo ra bảo hiểm thất nghiệp của Mỹ và vai trò của báo chí trong việc giảm tham nhũng.

Trong những năm đó, bà cũng đã công bố một loạt bài báo quan trọng liên quan vấn đề giới tính. “Bình đẳng trong âm nhạc: Thử giọng mù đối với nghệ sĩ âm nhạc nữ” (với Rouse, 2000) – một trong những bài báo được trích dẫn nhiều nhất. “Sức mạnh của thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai và Quyết định kết hôn và nghề nghiệp của phụ nữ” (với Katz, 2002) và “Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động theo mô hình chữ U, và quan hệ của nó đối với lịch sử kinh tế và sự phát triển kinh tế ” (1995) là một số bài báo tiên phong của bà. Bài diễn thuyết của bà tại Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ: “Sự hội tụ giới tính lớn: Chương cuối cùng”, về các vấn đề quan trọng và mục tiêu cuối cùng cần đạt được để đảm bảo bình đẳng giới trong thị trường lao động. Cuốn sách của bà “Sự nghiệp & Gia đình: Hành trình dài thế kỷ của phụ nữ hướng tới sự công bằng” chứa toàn bộ lịch sử liên quan đến chủ đề này, và kết thúc bằng việc thảo luận về tác động của đại dịch hiện đại đối với sự nghiệp của phụ nữ và tình hình cân bằng trong các mối quan hệ gia đình.

Trong quá trình nghiên cứu Goldin đã được ghi nhận nhiều thành tựu và được liên tiếp các giải thưởng:

1990: Giải thưởng Richard A. Lester cho Cuốn sách Xuất sắc về Quan hệ Công nghiệp và Kinh tế Lao động.

2005: Giải thưởng Carolyn Shaw Bell của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ.

2008: Giải thưởng R.R. Hawkins, Ban Xuất bản Học thuật và Chuyên nghiệp của Hiệp hội các Nhà xuất bản Hoa Kỳ.

2008: Giải thưởng Richard A. Lester cho Cuốn sách Xuất sắc về Quan hệ Công nghiệp và Kinh tế Lao động.

2009: Giải thưởng Jacob Mincer của Hiệp hội các Nhà kinh tế Lao động.

2009: Giải thưởng John R. Commons từ Omicron Delta Epsilon, Hội tôn vinh kinh tế.

2016: Giải thưởng IZA về Kinh tế Lao động “cho công trình lâu dài của bà về lịch sử kinh tế của phụ nữ trong giáo dục và thị trường lao động”.

2019: Giải thưởng Biên giới Tri thức của Quỹ BBVA về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính và Quản lý cho đóng góp của bà về phân tích chênh lệch giới.

2020: Giải thưởng Clarivate Citation Laureate trong Lĩnh vực Kinh tế học .

2020: Giải thưởng Erwin Plein Nemmers về Kinh tế.

2021: Huy chương của Tổ chức vì Sự Tiến Bộ.

2021: Giải thưởng Richard A. Lester cho Cuốn sách Xuất sắc về Quan hệ Công nghiệp và Kinh tế Lao động.

2022: Giải thưởng Tầm nhìn của Hội đồng Giáo dục Kinh tế.

2023: Giải Nobel về Kinh tế.

Theo husta.vn

About Uy Phong

Trần Minh Phong - Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế