Ước mơ chế tạo tàu ngầm của người đàn ông xứ Huế

Còn nhớ vào cuối năm 2015, dư luận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn truyền tai nhau về câu chuyện ông Lê Ngà (52 tuổi, trú ở đường Thánh Gióng, phường Tây Lộc, TP. Huế, TT-Huế) đã chạy thử thành công chiếc tàu ngầm mô hình mang tên Hoàng Sa không người lái đầu tiên ở Việt Nam khiến nhiều người thán phục. Sau gần 2 năm, chúng tôi gặp lại người kỹ sư “tay ngang” sáng tạo ấy khi ông đang tiếp tục hoàn thiện sơ đồ thiết kế của một con tàu ngầm khác với những tính năng ưu việt hơn.

Cha đẻ của mô hình tàu ngầm hoạt động đầu tiên ở Huế

Gặp lại ông Lê Ngà trong những ngày đầu năm mới, cha đẻ của mô hình tàu ngầm “Hoàng Sa” vẫn đang mày mò bên những khối kim loại. Khó mà có thể hình dung ra được những khối kim loại bình thường đó lại được một người “thuần nông” như ông Ngà chế tạo thành những mô hình tàu ngầm, máy bay tỉnh xảo và hoạt động trơn tru. Đưa chúng tôi đến căn phòng trưng bày các mô hình, ông Ngà vừa giới thiệu mô hình tàu ngầm “Hoàng Sa”, sản phẩm tâm đắc nhất của ông, vừa kể cho chúng tôi nghe về hành trình đưa ông đến với giấc mơ sáng chế tàu ngầm khá thú vị này.

Trao đổi với PV, ông Ngà chia sẻ: “Cách đây 10 năm, tui tham gia vào CLB máy bay mô hình ở TP Huế và thường xuyên biểu diễn máy bay dọc bờ sông Hương. Lúc ấy tui nghĩ, tại sao mình lại không thử chế tạo mô hình tàu ngầm được điều khiển bằng thiết bị từ xa như máy bay mô hình. Ý tưởng là vậy nhưng phải đến năm 2013, tui mới có cơ hội bắt tay vào nghiên cứu để chế tạo mô hình tàu ngầm này”, vừa điều chỉnh các thiết bị được lắp trên thân tàu ngầm được đặt giữa căn nhà nhỏ số 38B Thánh Gióng (phường Tây Lộc, TP Huế).

Theo lời kể của ông Ngà, chiếc tàu ngầm Hoàng Sa được ông lên ý tưởng 1 năm và bắt đầu làm từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2014 thì hoàn thành. Vốn là một người đam mê công nghệ và là thành viên trong câu lạc bộ máy bay mô hình Huế, ông Ngà đã vận dụng những kiến thức sẵn có cùng với một số nguyên liệu tự chế để làm nên chiếc tàu ngầm để đời. “Ban đầu tính làm cho vui để thỏa mãn đam mê nhưng sau một quá trình nhiều ý tưởng nảy sinh thêm nên đầu tư nghiêm túc hơn. Chiếc tàu được chế tạo nhằm mục đích phục vụ các hoạt động dân sự như: thám hiểm, tìm kiếm người bị nạn dưới nước…”, ông Nga chia sẻ.

 

ThS Trần Giải Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT thăm mô hình tàu ngầm hoàng sa của ông Lê Ngà tại buổi triển lãm do CLB Sáng tạo trẻ tổ chức

Để làm thân tàu, ông Ngà đã tận dụng vỏ bình gas công nghiệp rồi hì hục gò hàn, bố trí thêm các vị trí để gắn máy, thiết bị. Một số thiết bị điện tử, ông Ngà phải mua từ nước ngoài với chi phí khá đắt đỏ.  Ngoài ra, do làm công việc nhà nước nên thời gian để tập trung làm tàu hạn hẹp. Thường những ngày nghỉ như thứ bảy, chủ nhật… ông Ngà mới dành thời gian cho việc chế tạo chiếc tàu ngầm của mình. Sau gần 2 năm, chiếc tàu Hoàng Sa hoàn thành. Tàu ngầm Hoàng Sa được ông Lê Ngà chế tạo có cấu hình bên ngoài dài 2,7 mét, đường kính thân tàu 0,4 mét, chiều cao của tàu dài 1 mét, nặng 120 kg. Để tạo nên thân tàu, ông Ngà đã tận dụng vật liệu sẵn có là bình ga công nghiệp, sau đó gia công thêm đầu tàu và thân tàu vào.  Phía sau đuôi tàu là hệ thống chân vịt làm từ chân vịt chạy ghe thuyền, có lớp bảo vệ bên ngoài tránh rác mắc vào chân vịt khi tàu lặn sâu. Nó hoạt động thông qua một bộ điều khiển từ xa, có thể lặn sâu 10 m trong nhiều giờ.

Chiếc tàu đã từng nhiều lần chạy thử nghiệm thành công trong bể bơi rồi ra ngoài sông Hương trước sự chứng kiến của rất nhiều người. Tàu hoạt động theo nguyên lý hút nước vào khoang chứa để lặn xuống và bơm ra để nổi lên. Phần đuôi gồm có hệ thống chân vịt với tốc độ quay 10.000 vòng/phút để tạo lực đẩy cho tàu. Hệ thống lái và cân bằng được chế tạo bằng 3 lá chắn tự động ở đuôi, cùng với tháp điều khiển. Nói về mô hình tàu ngầm của ông Ngà, Ông Trần Minh Phong, Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Ông Ngà ngoài là một thành viên rất tích cực của CLB còn là một cố vấn đắc lực cho các bạn trẻ trong việc nghiên cứu chế tạo các sản phẩm khoa học kỹ thuật. Trong các cuộc triển lãm do CLB tổ chức, chúng tôi vẫn thường mời ông Ngà mang chiếc tàu ngầm Hoàng Sa đến trưng bày. Về tính năng, tàu ngầm Hoàng Sa có thể phục vụ cho các hoạt động dân sự như: thám hiểm, tìm kiếm người bị nạn dưới nước…”.

 Gã ‘gàn’ với giấc mơ chế tạo tàu ngầm

“Để có thành quả lúc ấy, tôi đã phải thử lên thử xuống, thất bại biết bao nhiêu lần. Có lần tàu bị mất sóng dưới lòng sông Hương phải thuê người dân lặn tìm kiếm cả ngày”, ông Ngà cho biết.

Con nhà nông, nhưng ngay từ nhỏ, ông Ngà đã có niềm đam mê rất lớn với khoa học. Lúc còn học cấp 2, ông đã tìm hiểu các loại mô hình của xe ôtô, máy bay vốn là đồ chơi của trẻ em và tiến hành lắp ráp. Gia đình của ông Ngà tuy kinh tế khá khó khăn, mẹ làm nông, cha làm lao động phổ thông, nhưng luôn ủng hộ niềm đam mê, yêu thích của ông. Sau này, vì gánh nặng mưu sinh “cơm áo gạo tiền” và chăm lo việc học hành cho 3 người con nên ông Ngà đành gác lại đam mê của mình.

Trong khu dân cư nơi ông Ngà sinh sống, khi nhắc đến tên ông,  từ trẻ đến già không ai là không biết mặt. Những người này đều là nhân chứng sống chứng kiến hầu hết quá trình từ lúc ấp ủ đến lúc ông Ngà cho ra đời một sản phẩm mô hình. Một người hành xóm của ông Ngà chia sẻ: “Ngày ấy thấy cứ thứ bảy và chủ nhật là ông Ngà lại cặm cụi trong xưởng cơ khí. Nghe bảo chế tạo tàu ngầm, ai cũng nói ông ấy bị điên. Nhưng đến khi trực tiếp thấy chiếc tàu ngụp lặn trên sông Hương, báo đài đưa tin chúng tôi mới thật sự thán phục”. Chứng kiến cảnh tượng mô hình tàu ngầm hoạt động trên sông Hương, nhiều người dân chứng kiến cũng không khỏi thán phục.

Mô hình tàu ngầm hoạt động trên sông Hương

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Xuân Bách (Tp. Huế), một người từng được chứng kiến cảnh hạ thủy của tàu ngầm Hoàng Sa, tỏ ra khá tự hào: “Nghe mọi người kháo nhau dân địa phương mình chế tạo được tàu ngầm mini, tôi bán tín bán nghi chạy ra sông Hương xem thì quả nhiên là có thật. Nhờ có sáng kiến của của ông Ngà mà người dân nghèo ở địa phương nói riêng và người Huế cũng thấy nở mày nở mặt. Hiếm có ai nhưng ông Ngà không qua trường lớp đào tạo gì mà cũng làm ra được tàu ngầm mà lại còn hoạt động được. Thiết nghĩ chính quyền địa phương nên xem xét, biểu dương để mọi người thấy đó mà học tập theo nhất là giới trẻ”.

Hiện tàu ngầm mô hình Hoàng Sa được ông dành hẳn một căn phòng nhỏ trưng bày tại nhà để đáp ứng nhu cầu của những người yêu khoa học kỹ thuật về tham quan, tận “mục sở thị”. “Sau khi thử nghiệm thành công, rất nhiều nhà khoa học, cũng như người yêu công nghệ đã gửi thư, gọi điện hỏi thăm, động viên. Một số hội nghị khoa học còn mời tôi đến nói chuyện về mô hình này. Điều đó làm tôi rất vui…”, ông Ngà tâm sự. Được biết, trước khi chế tạo thành công tàu ngầm mô hình Hoàng Sa, ông Ngà đã sáng chế thành công xe tăng mô hình. Với kích thước 40 cm với động cơ nổ, xe tăng có thể di chuyển lên, xuống cùng với nòng pháo xoay tròn.  Bên cạnh đó ông Ngà đang ấp ủ trong thời gian tới sẽ chế tạo một máy bay mô hình lên thẳng kiểu máy bay F135 của Hoa Kỳ.

Chia sẻ thêm với PV  về những dự định trong tương lại, Ông Ngà đang chuẩn bị chế tạo thêm một chiếc tàu ngầm không người lái khác nhỏ gọn và ưu việt hơn chiếc Hoàng Sa cũ. “Chiếc tàu ngầm mô hình Hoàng Sa còn một số hạn chế như: thân khối lớn, di chuyển hơi nặng nề, khi lặn chưa linh hoạt… nên ông đã lên ý tưởng làm thêm một chiếc tàu khác vào năm 2017 để khắc phục những hạn chế trên.Chiếc tàu này sẽ nhỏ gọn hơn, ngoài phục vụ mục đích dân sự thì có thể phục vụ cả quân sự. Hiện bản thiết kế tôi đã hoàn chỉnh, chỉ cần bắt tay vào làm nữa thôi…”, ông Ngà hi vọng.

 

 

Lê Công

 

 

 

About admin

Check Also

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ký kết hợp tác với Trường Cao đẳng Du lịch Huế tại buổi lễ khai giảng năm học 2023-2024

Vào sáng ngày 26/10, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức khai giảng năm …