Y học và phẫu thuật trước năm 1800

Lịch sử y học, sự phát triển của việc phòng và chữa bệnh từ thời tiền sử, cổ đại đến thế kỷ 21.

I. Y học và phẫu thuật trước năm 1800

  1. Y học sơ khai và văn hóa dân gian

Lịch sử nếu không được ghi chép lại thì khó để giải thích, và dù ta có thể học hỏi được thông qua việc nghiên cứu các hình vẽ, hài cốt, và các dụng cụ phẫu thuật của con người thuở sơ khai, thì thái độ tinh thần của họ đối với các vấn đề về bệnh tật và cái chết không dễ tái dựng được. Có vẻ như ngay khi họ đến giai đoạn có khả năng suy luận, thông qua những lần thử nghiệm và sai sót, họ đã phát hiện ra những loàicây nào có thể dùng làm thực phẩm, loại nào mang độc tính và loại nào có giá trị chữa bệnh. Y học dân gian hay y học gia đình, phần lớn sử dụng các sản phẩm thực vật hoặc thảo mộc, đều bắt nguồn từ cách này và đến giờ vẫn còn tồn tại.

Nhưng chuyện không phải chỉ có thế. Con người ban đầu không xem cái chết và bệnh tật là hiện tượng tự nhiên. Họ chấp nhận các bệnh thông thường như cảm lạnh hoặc táo bón là một phần trong đời sống và điều trị bằng các loại thảo dược sẵn có. Tuy nhiên, những căn bệnh nghiêm trọng hay tàn tật lại được xếp vào một phạm trù rất khác, chính là do nguồn gốc siêu nhiên. Đó có thể là bị kẻ thù nào đấy yểm bùa; hoặc vấp phải con quỷ độc ác; hoặc do một vị thần phóng một vật nào đó vào cơ thể nạn nhân như là phi tiêu, hòn đá, hoặc trừu tượng như là xuất hồn người bệnh khi mà vị thần đó bị xúc phạm. Phương pháp điều trị sau đó là dẫn hồn trở về lại cơ thể hoặc loại bỏ những thứ xâm nhập xấu xa ra khỏi cơ thể, có thể là phi tiêu hoặc ác quỷ, bằng cách phản bùa chú, dùng thần chú, thuốc độc, hút ra hoặc các phương pháp khác.

Một phương pháp kỳ quặc để cho bệnh thoát ra khỏi cơ thể là tạo một lỗ có đường kính từ 2,5 đến 5 cm trên hộp sọ của bệnh nhân – phương pháp khoan sọ. Những hộp sọ bị khoan có niên đại từ thời tiền sử đã được tìm thấy ở Anh, Pháp và các khu vực khác của Châu Âu và ở Peru. Đa số chúng cho thấy bằng chứng về sự chữa lành và có lẽ là sự sống sót của bệnh nhân. Tập tục này vẫn còn tồn tại ở một số bộ lạc ở các vùng của Algeria, ở Melanesia và có lẽ ở những nơi khác, mặc dù nó đang nhanh chóng biến mất.

Ma thuật và tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong y học của xã hội loài người thời tiền sử hoặc sơ khai. Họ sử dụng phương thuốc thực vật qua đường miệng đi kèm với các câu thần chú, khiêu vũ, nhăn mặt và tất cả các mánh khóe của nhà ảo thuật. Do đó, những bác sĩ đầu tiên, hay “thầy lang”, là những bác sĩ phù thủy hoặc thầy phù thủy. Việc sử dụng bùa chú và bùa hộ mệnh có nguồn gốc từ xa xưa vẫn còn phổ biến trong thời hiện đại.

Ngoài việc điều trị vết thương và gãy xương, y học dân gian có lẽ là khía cạnh cổ xưa nhất trong kỹ thuật chữa bệnh, vì các thầy thuốc nguyên thủy đã thể hiện sự khôn ngoan của họ bằng cách chữa trị toàn diện con người, linh hồn cũng như thể xác. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị và thuốc men không tạo ra tác dụng vật lý trên cơ thể có thể khiến bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, khi mà cả người chữa bệnh và bệnh nhân đều tin tưởng vào hiệu quả chữa bệnh của các phương pháp này. Hiệu ứng này được gọi là “giả dược” được áp dụng ngay cả trong y học lâm sàng hiện đại.

  1. Trung Đông và Ai Cập Cổ Đại

Lịch và chữ viết ra đời đã đánh dấu sự khởi đầu của việc lịch sử được ghi chép lại. Những manh mối về kiến thức ban đầu rất ít, chỉ bao gồm những phiến đất sét có ký hiệu và con dấu hình nêm do các thầy thuốc ở Mesopotamia cổ đại sử dụng. Trên một cột đá được bảo tồn trong Bảo tàng Louvre ở Pháp có ghi Bộ luật Hammurabi, một vị vua Babylon vào thế kỷ 18 TCN. Bộ luật này bao gồm các luật rất nghiêm khắc liên quan đến hành nghề y khoa và các hình phạt nếu như không tuân thủ. Ví dụ: “Khi một thầy thuốc mổ áp xe mà giết bệnh nhân thì bị chặt hai tay”; tuy nhiên, nếu bệnh nhân là nô lệ thì bác sĩ sẽ được cung một cấp nô lệ khác.

Nhà sử học Hy Lạp Herodotus nói rằng mỗi một người Babylon đều là một bác sĩ nghiệp dư, do phong tục đặt người bệnh trên đường phố để bất kỳ ai đi ngang qua có thể cho lời khuyên. Từ việc kiểm tra gan của một con vật hiến tế, bói toán đã được áp dụng rộng rãi để báo trước diễn biến của một căn bệnh. Người ta biết rất ít về nền y học Babylon, và không có tên một người bác sĩ nào còn tồn tại.

Khi nền y học của Ai Cập cổ đại được nghiên cứu, bức tranh trở nên rõ ràng hơn. Vị bác sĩ đầu tiên nổi bật là Imhotep, người đứng đầu bộ máy cấp cao của Vua Djoser trong thế kỷ thứ 3 TCN, người đã thiết kế một trong những ngôi đền kim tự tháp sớm nhất, Kim tự tháp Bậc thang ở Ṣaqqārah, và sau này được coi là vị thần y học của Ai Cập và được đồng nhất với vị thần Hy Lạp Asclepius. Kiến thức trở nên chắc chắn hơn đến từ việc nghiên cứu các giấy cói của Ai Cập, đặc biệt là tập Ebers và tập Edwin Smith được phát hiện vào thế kỷ 19. Tập Ebers là một danh sách các phương thuốc, kèm theo các lời thần chú hoặc lời nguyền, trong khi tập Edwin Smith là một luận thuyết về phẫu thuật trong việc điều trị vết thương và các tổn thương khác.

Imhotep

Image from: https://www.worldhistory.org/imhotep/

Trái ngược với những gì có thể mong đợi, việc ướp xác người chết được thực hiện rộng rãi lại không kích thích các nghiên cứu về giải phẫu người. Tuy nhiên, việc bảo quản xác ướp đã tiết lộ một số căn bệnh mắc phải vào thời điểm đó, bao gồm viêm khớp, lao xương, bệnh gút, sâu răng, sỏi bàng quang và sỏi mật; còn có bằng chứng về bệnh sán máng ký sinh vẫn còn là mối đe dọa. Dường như không có bệnh giang mai hay còi xương được ghi nhận.

Việc tìm kiếm thông tin về y học cổ đại dẫn một cách tự nhiên từ tài liệu y khoa của Ai Cập đến văn học Do Thái. Mặc dù Kinh Thánh chứa rất ít thông tin về các phương pháp chữa bệnh của người Israel xưa, nhưng nó là một kho thông tin về vệ sinh cá nhân và xã hội. Người Do Thái thực sự là những người tiên phong trong các vấn đề về sức khỏe cộng đồng.

(còn tiếp)

Bài kế tiếp: https://husta.vn/y-hoc-co-truyen-va-phau-thuat-o-chau-a/

Nguồn: https://www.britannica.com/science/history-of-medicine

Thuỷ Tiên dịch

About Uy Phong

Trần Minh Phong - Chủ nhiệm CLB Sáng tạo trẻ Thừa Thiên Huế

Check Also

Ước mơ chế tạo tàu ngầm của người đàn ông xứ Huế

Còn nhớ vào cuối năm 2015, dư luận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế …